Tổng quan về cây sả chanh

570.511 views

1. TÊN KHOA HỌC:

Cymbopogon citratus (DC.) Stapf.

Giới: Thực vật (Plantae)

Ngành: Ngọc lan (Magnoliophyta)

Lớp: Hành (Liliopsida)

Bộ: Lúa (Poales)

Họ: Lúa (Poaceae)

Chi: Cymbopogon Spreng

Loài: citratus [6]

2. TÊN GỌI KHÁC:

Cỏ sả, Mao hương, cà phéc (Tày), phắc châu (Thái), chà gụn (Dao), mờ b’lạng (K’Ho)[1].

3. GIỚI THIỆU:

Sả chanh là một loại cây nhiệt đới lâu năm có chứa dầu thơm. Tên gọi sả chanh được bắt nguồn từ mùi điển hình giống như chanh của tinh dầu trong cây. Tinh dầu sả chanh thương mại được biết đến phổ biến là dầu Cochin, vì 90% trong số đó được vận chuyển từ cảng Cochin. Bang Kerala ở Ấn Độ độc quyền trong sản xuất và xuất khẩu tinh dầu sả chanh. Sản lượng tinh dầu sả chanh hàng năm trên thế giới khoảng 1000 tấn từ diện tích 16.000 ha. Ở Ấn Độ, sả chanh được trồng trong khoảng 4000 ha và sản lượng hàng năm khoảng 250 tấn. Hệ thống rễ phân nhánh tốt của cây giúp bảo tồn đất và nước[3].

4. MÔ TẢ:

Cây thảo sống lâu năm, mọc thành bụi, phân nhánh nhiều, cao khoảng 1,5m. Thân rễ trắng hoặc hơi tím. Lá dài đến 1m, hẹp, mép hơi ráp, bẹ trắng, rộng. Cụm hoa gồm nhiều bông nhỏ không cuống[2].

5. PHÂN BỐ, SINH THÁI:

Nguồn gốc chưa biết chính xác, nhưng nhiều người cho rằng từ Malaysia. Trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cây mới được du nhập sang Nam Mỹ và Trung Mỹ, Madagasca và Châu Phi. Ở Việt Nam, sả chanh cũng được trồng từ lâu đời trong nhân dân để làm gia vị, làm thuốc, nấu nước gội đầu và cất tinh dầu[1].

Thuộc loại cây đặc biệt ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao. Nhiệt độ trung bình thích nghi cho cây sinh trưởng phát triển mạnh là 22-26oC, nhiệt độ tối đa trung bình có thể lên tới 40oC. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả ở những vùng đất tương đối khô cằn, sỏi đá. Tuy nhiên trong mùa sinh trưởng phát triển mạnh, nhu cầu nước cho cây thường khá cao.

6. BỘ PHẬN DÙNG:

6.1. Toàn cây – Herba Cymbopogonis Citrati.

Toàn cây được dùng tươi hoặc phơi khô. Riêng đối với rễ, rửa sạch, cắt thành đoạn 3-5 cm (rễ con) hoặc thái lát 2-3 mm (rễ to, thường gọi là củ) phơi âm can đến khô[1].

Cymbopogon citratus được sử dụng ở nhiều quốc gia với mục đích khác nhau, được tóm tắt trong Bảng 1.

Bảng 1. Cách dùng của Cymbopogon citratus tại một số quốc gia[6]

STT Quốc gia Cách dùng
1 Argentina Nước sắc lá được uống dưới dạng trà “mate” khi đau họng, rối loạn tiêu hóa.
2 Brazil Trà từ lá được sử dụng phổ biến như thuốc chống co thắt, giảm đau chống viêm, hạ sốt, lợi tiểu và an thần.
3 Cuba Chiết xuất nước nóng của lá khô được dùng đường uống điều trị cho tăng tiết dịch nhầy mũi họng và thấp khớp.
4 Ai Cập Chiết xuất nước nóng của lá khô và thân cây dùng đường uống có tác dụng chống co thắt và lợi tiểu.
5 Ấn Độ Cây tươi có tác dụng phòng rắn. Uống hai đến ba giọt tinh dầu trong nước nóng điều trị các vấn đề về dạ dày. Đối với bệnh tả, uống một vài giọt tinh dầu với nước chanh. Chiết xuất nước nóng của lá khô được sử dụng để tắm trong trường hợp đau đầu và sốt nặng. Trà pha từ sả chanh được sử dụng như một thuốc an thần.
6 Indonesia Chiết xuất nước nóng của toàn cây được dùng bằng đường uống có tác dụng tăng lưu thông máu.
7 Malaysia Chiết xuất nước nóng của toàn cây được dùng bằng đường uống có tác dụng tăng lưu thông máu.
8 Thái Lan Toàn bộ cây tươi sử dụng làm hương liệu và ăn như một loại gia vị. [14] Chiết xuất nước nóng của toàn bộ cây khô được dùng bằng đường uống cho các triệu chứng về dạ dày. [15] Chiết xuất nước nóng của rễ khô được dùng bằng đường uống cho bệnh tiểu đường.
9 Mỹ Chiết xuất nước nóng của toàn bộ cây được dùng ngoài

để chữa lành vết thương và gãy xương

6.2. Tinh dầu sả chanh

Chưng cất hơi nước

Tinh dầu sả chanh thu được bằng cách chưng cất hơi nước. Có ba cách chưng cất:

  1. Chưng cất trực tiếp bằng nước: trong phương pháp này, thảo mộc được cho vào nồi và được lấp đầy một phần với nước. Nồi được làm nóng trực tiếp.
  2. Chưng cất bằng hơi nước, không có nồi hơi riêng: thảo mộc được đặt trên lưới cao trong nồi. Phần dưới của nồi cho nước, mực nước thấp hơi mức lưới, làm nóng nồi. Trong phương pháp này, hơi nước bão hòa hoàn toàn, ẩm ướt và không quá nóng. Nguyên liệu thực vật tiếp xúc chỉ với hơi nước và không tiếp xúc trực tiếp với nước sôi.
  3. Chưng cất bằng hơi nước, có nồi hơi riêng: trong phương pháp này, không có nước được thêm vào nồi. Thay vào đó, hơi nước bão hòa được tạo ra và dẫn vào thông qua các đường ống.

Quá trình chưng cất làm mát tách ra thành một lớp dầu, nổi lên trên bề mặt nước. Để có được dầu chất lượng tốt, người ta sử dụng chưng cất hơi nước trong các nồi thép không gỉ ở áp suất hơi 18-32 kg / cm2. Cây dùng để chưng cất có thể ở dạng tươi hoặc sau khi phơi khô. Phơi khô trước khi chưng cất làm giảm độ ẩm và tăng thu hồi dầu.

Nói chung, thiết bị Clevenger được sử dụng cho chưng cất số lượng nhỏ (lên đến 1,0 kg) của thảo mộc trong phòng thí nghiệm. Các thiết bị chưng cất lượng lớn được chế tạo để chưng cất 500 kg hoặc nhiều hơn tại cùng một thời điểm.

Chiết bằng dung môi

Tinh dầu sả chanh còn có thể được chiết xuất bằng các dung môi khác nhau:

  1. Maculation: Nghiền nguyên liệu thực vật khô với sự có mặt của một dung môi không phân cực như hexane, lọc và cô đặc dịch chiết để thu hồi dung môi.
  2. Percolation: Dung môi được tạo ra để thấm qua cột nguyên liệu khô. Sau đó chưng cất để thu được tinh dầu và thu hồi dung môi. Chiết xuất Soxhlet là một phương pháp percolation liên tục sử dụng thiết bị đặc biệt[3].

7. THÀNH PHẦN HÓA HỌC:

Cây chứa 1-2% tinh dầu màu vàng nhạt, thơm mùi chanh với thành phần chủ yếu là Citral (65-85%), geraniol (40%).

Tinh dầu sả Ấn độ có hàm lượng tinh dầu là 0,2%, tỷ trọng 0,865 – 0,961, [α]D: 0o,10’ – 2o,40’, thành phần chính là citral (54 – 87%); ngoài ra còn có citronellal, geraniol và myrcen. Tinh dầu sả Srilanca có 76 – 86% citral.

Il. Idrissi, A, BellaKhdar J đã phân tích tinh dầu sả của Morocco và tách được 34 thành phần, trong đó chủ yếu là geranial (39,8%) và neral (32%). (CA.121,1994,212612 t). Torres Rosalind C, Ragadio Arlena G phân tích tinh dầu sả ở Philippin thấy có thành phần chính là citral 69,39%; ngoài ra, còn có geraniol, myrcen, α, β pinen, laurat ethyl, 1,8 cineol limonen, linalool, caryophyllen, menthol terpineol và citronellol (CA.126,1997,334188 h).

De Matouscheck. B. V. Stahl. Biskup E đã tách từ lá sả chanh các chất luteolin-7-O-neohesperosid, luteolin, homoorientin, luteolin-7-O-β glucosid; 2”-O-rhamnosylhomoorientin cùng các chất acid chlorogenic, acid cafeic, acid p.coumeric, và các đường fructose và sucrose, các alcol octacosanol, triacontanol, và dotriancontanol (CA.116,1992,80441 W)[1].

Hai đồng phân của citral tạo thành phần lớn dầu sả chanh. Citral được tách ra từ dầu bằng cách chưng cất phân đoạn và được sử dụng làm nguyên liệu ban đầu cho quá trình tổng hợp của một số sản phẩm công nghiệp quan trọng. Citral có hương vị cam chanh. Geraniol,

linalool và citronellol là các rượu terpene acyclic quan trọng nhất có thể tách ra từ dầu sả chanh và được sử dụng làm chất tạo hương vị và hương liệu[3].

  • Bình luận Facebook
  • Bình luận mặc định

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn